Ngày đăng: T4, Th3 8th, 2017

3 kịch bản tăng trưởng của nhà đất Việt Nam năm 2017

Tính đến ngày 20-2-2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 29.573 tỉ đồng, so với quý I/2013 giảm 98.975 tỉ đồng (giảm 76,99%); so với tháng 12-2015 giảm 21.316 tỉ đồng (giảm 41,89%); so với tháng 12-2016 giảm 1.450 tỉ đồng (giảm 4,67%); so với 20-1-2017 giảm 575 tỉ đồng. Trong đó: Tồn kho căn hộ chung cư: 3.613 căn (tương đương 5.221 tỉ đồng); tồn kho nhà thấp tầng: 3.726 căn (tương đương 8.106 tỉ đồng); tồn kho đất nền nhà ở: 3.506.597m2 (tương đương 13.625 tỉ đồng); tồn kho đất nền thương mại: 696.659m2 (tương đương 2.621 tỉ đồng).

Những tín hiệu lạc quan của thị trường BĐS 2 tháng đầu năm 2017 không chỉ tạo kỳ vọng đối với thị trường BĐS mà đối với cả nền kinh tế, bởi từ nhiều năm nay, BĐS luôn là một trong những lĩnh vực thu hút, tập trung nhiều vốn đầu tư nhất. Vậy nên mới có chuyện, khi thị trường BĐS lâm vào cảnh ế ẩm, đóng băng, nhiều chuyên gia kinh tế đã ví von: BĐS là “mồ chôn tiền” của nền kinh tế.

3 kịch bản tăng trưởng của nhà đất Việt Nam năm 2017

Mặc dù bức tranh BĐS đã có nhiều gam màu sáng nhưng trong một báo cáo đánh giá thị trường BĐS vừa được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố thì khả năng bùng nổ của thị trường BĐS là rất thấp, thậm chí còn có khả năng suy giảm, trầm lắng. Theo đó, nhóm nghiên cứu của CIEM đưa 3 kịch bản: Tăng trưởng tốt hơn năm 2016; Thị trường đi ngang; Thị trường suy giảm, trầm lắng.

Thị trường suy giảm, trầm lắng được dự báo là có thể xảy ra dù đây là kịch bản ít người mong muốn nhất. Theo nhóm chuyên gia, kịch bản có thể xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng hoặc quan hệ quốc tế không ổn định, tình hình kinh tế trong nước khó khăn.

Thị trường đi ngang, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là kịch bản dễ xảy ra nhất khi các điều chỉnh nội bộ thị trường diễn ra, một số phân mảng như nhà cao cấp điều chỉnh giảm, giá phân khúc trung bình và thấp điều chỉnh tăng. Kịch bản này dựa trên một số điều kiện như thế giới không khủng hoảng, không điểm nóng; kinh tế trong nước không gặp trục trặc nào; thị trường BĐS được chủ động điều chỉnh theo hướng giảm bớt sản phẩm cao cấp, có yếu tố nước ngoài; tăng cường sản phẩm giá trung bình, thấp

Tng trưởng tốt hơn 2016, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là kịch bản rất khó xảy ra, bởi kịch bản này dự trên những giả định lạc quan về tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó có khả năng xảy ra như thế giới không bị lâm vào khủng hoảng tài chính theo cảnh báo của BIS, IMF, WB…; quan hệ quốc tế không xuất hiện những vấn đề lớn; nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định và không xuất hiện những khó khăn ngoài dự kiến.