Ngày đăng: T3, Th9 20th, 2016

Hanjin phá sản: Doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất hàng trăm tỷ

Việc hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin phá sản đã khiến các doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng.

Được biết, Hanjin chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như: Dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đến khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường mà Hanjin có tàu đi như Mỹ… sẽ đều bị tác động.

Thông báo mới nhất của Hanjin, 23 tàu của hãng này đang đỗ gần bến cảng của 23 quốc gia (bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ) nhưng trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa vì các cảng từ chối tiếp nhận tàu cũng như hãng tàu Hanjin không dám cho tàu nhập cảng vì sợ bị bắt giữ. Theo lịch trình, tàu Hanjin Chennai đến cảng biển TP HCM ngày 2/9 song tới nay, tàu vẫn đang thả trôi cách bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu 85 hải lý. Trên tàu có chở 833 container nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 733 container có hàng.

Tính chung lại, theo báo cáo của Hanjin Việt Nam, các DN Việt Nam có khoảng 1.516 container nhập khẩu đang ở các bến cảng, 432 container nhập khẩu đang ở kho của khách hàng, 1.323 container xuất khẩu đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu liên quan đến hợp đồng với Hanjin.

Công ty TNHH MTV Giao nhận vận tải thương mại Sài Gòn, một trong những DN làm đại lý cho hãng tàu Hanjin cho biết, đang bị hãng này nợ tiền thanh toán phí hải quan, biên phòng và cảng vụ với số tiền hơn 289 triệu đồng.

Đặc biệt, báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy, Hanjin hiện còn nợ khoảng 50 tỷ đồng, với số container đang lưu tại Tân Cảng lên tới hơn 2.000 chiếc. Trong khi đó, Công ty Liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (Cảng VICT) cho biết, Hanjin đang nợ khoảng 80.000 USD với gần 190 container đang lưu. Hai cảng này đều yêu cầu khi khách hàng đến nhận hàng phải sự dụng dịch vụ cảng hoặc đặt cọc trong trường hợp lấy container ra khỏi cảng.

Ngoài ra, báo cáo của DN đối tác với hãng tàu Hanjin gửi Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cũng cho thấy, con số nợ khá lớn của Hanjin đối với tiền lưu kho bãi, xếp dỡ sửa chữa container… Cụ thể, ngoài số container đang lưu kho bãi, Hanjin nợ Công ty CP cảng Hải Phòng hơn 67.000 USD; Công ty CP cảng Nam Hải hơn 1,5 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ 2 tỷ đồng…

Trước tình trạng trên, Cục Hàng hải VN (Bộ GTVT) cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cập nhật diễn biến; Yêu cầu các cảng vụ hàng hải theo dõi những DN cảng biển, DN kinh doanh vận tải biển Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến hãng tàu Hanjin để tìm hiểu tác động, ảnh hưởng, công nợ, các kiến nghị, đề xuất để báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định; Đồng thời, có phương án bố trí phương tiện hợp lý và điều tiết kịp thời để hỗ trợ DN tránh ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và gây ùn tắc tại các cảng biển.