Ngày đăng: T4, Th7 27th, 2016

Lập siêu ủy ban quản lý doanh nghiệp nhà nước

Theo đề xuất, lập siêu ủy ban quản lý doanh nghiệp nhà nước, chức năng của ủy ban quản lý doanh nghiệp Nhà nước xoay quanh 3 nội dung chính: Khả năng đầu tư tài chính, mà điển hình là công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước SCIC; Quản trị và thực hiện quyền sở hữu tại các tập đoàn Nhà nước theo cơ chế thị trường.

Cơ cấu lại danh mục đầu tư của Nhà nước để tập trung vào những ngành nghề chiến lược. Dựa vào 3 chức năng này, mô hình siêu ủy ban sẽ học hỏi từ các mô hình quốc tế để áp dụng phù hợp vào điều kiện Việt Nam. Báo Công an Đà Nẵng thông tin.

doanh-nghiệp

Tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể được tách khỏi các bộ, ngành quản lý. Ảnh PLO.
Đảm nhận việc quản lý hàng triệu tỷ đồng của 9 tập đoàn, 21 tổng công ty lớn, đề án của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM – thuộc Bộ KHĐT) đề xuất nhân sự của Siêu Ủy ban sẽ bao gồm các chuyên viên đầu tư, chuyên viên quản lý chuyên nghiệp, chuyên viên phân tích đánh giá và quản trị rủi ro.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, bất cập lớn nhất trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước là cần xóa bỏ là sự chồng chéo, mâu thuẫn lợi ích trong quản lý vốn, khi các cơ quan quản lý Nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”; vừa quản lý Nhà nước, vừa quản lý doanh nghiệp. Do đó, mô hình “siêu ủy ban” dự kiến sẽ giải quyết triệt để bất cập này.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, nghi ngại về tính khả thi của mô hình siêu ủy ban này. Ông Doanh cho rằng ở Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước với nhiều quan hệ phức tạp sẽ gây ra khó khăn trong công tác quản lý. “Nên chăng thử nghiệm ở quy mô nhỏ rồi hãy xem xét tiếp đến việc thành lập một siêu ủy ban” – ông Doanh đề nghị. Báo Pháp luật TP. HCM thông tin.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng không nên thực hiện ngay phương án lập siêu ủy ban mà nên cẩn thận suy xét kỹ lưỡng, chuyển biến từng bước, tham vấn nhiều bên, thí điểm trước khi nhân rộng mô hình.

Cũng tại tọa đàm, CIEM đã phác họa bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam không mấy sáng sủa. Theo đó tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng và chưa lấy được đà phục hồi. Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016 không khả thi. Tăng trưởng kinh tế quý III dự báo chỉ có thể đạt mức 6,14%.