Ngày đăng: T4, Th3 15th, 2017

Những rủi ro lớn đối với nến kinh tế thế giới hiện nay

Theo Business Insider, đây là ý kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD). Trong báo cáo triển vọng kinh tế tạm thời vừa công bố, tổ chức trên cho hay: “Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo tăng, đi lên từ mức dưới 3% năm 2016 – mức thấp nhất từ năm 2009 – lên 3,3% năm 2017 và khoảng 3,5% năm 2018”.

Dù vậy, tăng trưởng toàn cầu có thể gặp khó vì “các thị trường tài chính và nguyên tắc cơ bản bị ngắt, biến động tiềm ẩn trên thị trường, các lỗ hổng tài chính và sự thiếu chắc chắn về chính sách”.

Thiếu chắc chắn trong các chính sách
Theo OECD, việc người dân nhiều nước thiếu tin tưởng vào chính phủ, hệ thống chính trị khiến việc theo đuổi, duy trì chương trình nghị sự chính sách cần thiết trở nên khó hơn. Vì thế, một số nước khó đạt tăng trưởng mạnh.
Sự thiếu chắc chắn trong chính sách kinh tế tăng vọt từ thời điểm Brexit, hay Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU), và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dù vậy, thị trường tăng điểm đã và đang che lấp nhiều rủi ro tiềm ẩn. Sắp tới, các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và Hà Lan cũng đặt ra nguy cơ về việc chủ nghĩa dân túy dâng cao ở khắp châu Âu.

Tỷ giá thường xuyên biến động, không thể lường trước
OECD cho hay: “Kỳ vọng của thị trường tài chính cho thấy sự phân kỳ lớn trong chính sách lãi suất ngắn hạn giữa các nền kinh tế tiên tiến sẽ mở rộng trong những năm tới. Điều này làm gia tăng nguy cơ căng thẳng thị trường tài chính và biến động, đặc biệt là trong tỷ giá hối đoái, có thể khiến bất ổn tài chính lan rộng hơn”.
Sức mạnh của USD, thực trạng đi cùng kỳ vọng tăng trưởng cao hơn cùng nhiều đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhấn mạnh nhiều nguy cơ mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt. Nhiều người thậm chí còn lo lắng về kịch bản năm 2013 lặp lại, khi Fed thắt chặt tiền tệ khiến vốn thoái ào ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi.

Các lỗ hổng tài chính
Nhiều khó khăn tài chính đáng kể xuất phát từ sự phụ thuộc quá mức vào chính sách tiền tệ trong những năm gần đây. Việc này khiến một số nước kéo dài thời gian áp dụng lãi suất thấp đáng kể, tăng nợ, kéo giá tài sản lên cao. Hồi tháng 10.2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nợ thế giới đang ở mức cao kỷ lục. Nhà đầu tư huyền thoại Bill Gross thì cảnh báo Mỹ đang đứng trong cái bẫy nợ được Fed tạo ra.