Ngày đăng: T6, Th9 23rd, 2016

Nuôi ghép cá – tôm hình thức mang hiệu quả kinh tế cực cao

Trong 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai các mô hình nuôi ghép tôm sú với cá dìa, tôm sú với cá đối….

Mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối tại xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, với diện tích 2.400m2 do hộ anh Bùi Min (45 tuổi) ở thôn Xuân An thực hiện. Hộ anh Min thả 28.800 con tôm sú, kích cỡ 2 – 3 cm/con (mật độ 12 con/m2) và 2.400 con cá đối, kích cỡ 6 cm/con (mật độ 1 con/m2). Mô hình được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% tiền giống cá và tôm, 30% chi phí thức ăn và hóa chất. Sau 4 tháng thực hiện, nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, mô hình đạt được các chỉ tiêu theo phương án đề ra. Sản lượng tôm sú (dự kiến) đạt 483kg, với giá 220.000 đồng/kg, thu trên 106 triệu đồng; sản lượng cá đối (dự kiến) đạt 360kg, với giá 100.000 đồng/kg, thu trên 36 triệu đồng. Tổng thu dự kiến trên 142 triệu đồng, sau khi trừ chi phí (cả khấu hao ao hồ, máy móc) 86 triệu đồng, lãi trên 56 triệu đồng. Mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối thương phẩm tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, với diện tích 4.800m2 do hộ anh Lê Văn Be tại thôn Châu Me thực hiện từ tháng 5/2016. Hộ anh Be thả 57.600 con tôm sú và 4.800 con cá đối trên diện tích 4.800m2. Sau gần 4 tháng nuôi, anh bắt đầu thu hoạch, với giá tôm sú từ 220.000 – 250.000 đồng/kg anh thu về trên 100 triệu đồng; còn cá đối dự kiến thu thêm trên 70 triệu đồng. Ông Ngô Văn Tuất ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi chia sẻ, ông cùng với trên 20 hộ dân trong xã đã áp dụng mô hình nuôi tôm ghép cá dìa vài năm nay, riêng gia đình ông với diện tích 1.000m2 ao mỗi năm ông thu về gần 100 triệu đồng. Theo ông Tuất, so với cách nuôi trước kia (nuôi thuần tôm) thì cách nuôi ghép này ít bị rủi ro về dịch bệnh và hiệu quả kinh tế cao hơn.

mo-hinh-nuoi-tom-va-ca

Với đặc tính ăn tạp, cá dìa và cá đối sử dụng triệt để lượng mùn bã hữu cơ ở đáy ao như phân tôm, thức ăn dư thừa của tôm, tảo tàn… cân bằng được hệ sinh thái trong ao nuôi, tạo nền đáy ao tốt, giúp tôm sinh trưởng, phát triển nhanh hơn, hạn chế được dịch bệnh. Quan trọng hơn cả là khi nuôi ghép với tôm sú, tôm sống ở tầng mặt, còn cá dìa, cá đối sống ở tầng đáy nên tôm sú vẫn phát triển tốt. Với một diện tích mà người nuôi tôm có thể nuôi kết hợp hai loại thủy sản, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa tiết kiệm chi phí vệ sinh hồ.

Vì vậy, mô hình nuôi ghép tôm với cá đang là hướng đi mới. Ông Ngô Hữu Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi khẳng định: Việc thực hiện mô hình nuôi ghép tôm sú với cá nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường ao nuôi…..