Ngày đăng: T5, Th9 15th, 2016

Ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều khu vực

Chiều 14/9, tại Hà Nội, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc, cho ý kiến về việc xây dựng Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, để Ban cán sự Đảng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch trình Bộ Chính trị thảo luận trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, với dự thảo Đề án phải thể hiện được du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, có dấu ấn văn hóa sâu sắc, vận hành theo đầy đủ các quy luật của thị trường.

kinh-te

Góp ý vào dự thảo, đại diện các Bộ, ngành cho rằng Đề án cần tiếp tục khẳng định rõ quan điểm du lịch là mũi nhọn nhưng không phải tỉnh, thành phố nào cũng coi du lịch là mũi nhọn, mà chỉ tập trung ở các tỉnh, vùng có lợi thế về du lịch; phân định các công việc về phát triển du lịch mà Nhà nước phải làm, hay xã hội, tư nhân phải làm; xây dựng, phát triển ngành du lịch phải gắn kết chặt chẽ với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngoài việc Đề án phải làm bật được nội dung “mũi nhọn” thì các cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình cũng phải xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo động lực phát triển.

kinh-te-1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đàm đặt ra các yêu cầu khi Đề án được hoàn thiện và thực hiện thì phải giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay của du lịch: Đó là tạo thuận lợi hơn khi cấp visa, tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa; đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư vào ngành du lịch (đất đai, thuế, giá điện, giá nước…); nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa- du lịch; xóa bỏ được 7 nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam, đó là sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch  nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch trong giai đoạn 2016- 2020 có tầm nhìn tới năm 2030, dựa trên 3 trọng điểm là: Hạ tầng; xác định loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch trong đó có các chính sách thu hút nguồn lực nhà nước và xã hội; bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá phí dịch vụ du lịch, có lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ du lịch tương ứng với quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo thể hiện rõ chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016- 2020; có kế hoạch phát triển nguồn lực du lịch cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn lao động.

Nguồn: VOV