Xây dựng an toàn vay ODA giai đoạn 2016-2020
Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 7451/BTC-QLN về việc xây dựng ngưỡng an toàn vay ODA, vay ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Bộ Tài chính đề nghị rà soát, đánh giá tình hình huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo từng chương trình/dự án với các hiệp định vay, gồm tổng mức đầu tư trong đó trị giá vốn vay, thời gian thực hiện chương trình/dự án, nhà tài trợ, cơ chế tài chính trong nước, trị giá vốn vay điều chỉnh so với quyết định ban đầu, tình trạng giải ngân, lũy kế giải ngân từ khi hiệp định vay có hiệu lực đến ngày 31/12/2015. Đồng thời, báo cáo cụ thể giá trị giải ngân các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi theo từng năm trong giai đoạn 2011-2015 theo từng chương trình/dự án gắn với hiệp định vay.
Ngoài ra, các đơn vị phải đánh giá các kết quả đạt được từ việc đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- Xã hội của các bộ, ngành và địa phương và nêu rõ khó khăn,vướng mắc và tồn tại, hạn chế trong huy động sử dụng và trả nợ vốn vay; phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xây dựng kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay ODA đảm bảo trần nợ công
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị rà soát danh mục các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai, chưa hoàn thành chuyển tiếp sang thực hiện giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, dự kiến danh mục các chương trình/dự án sẽ phải triển khai mới trên cơ sở chủ trương đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, công tác chuẩn bị dự án và khả năng đàm phán, ký kết với các nhà tài trợ trong giai đoạn 2016-2020.
Về kế hoạch giải ngân, Bộ Tài chính đề nghị phải xây dựng theo từng chương trình/dự án gắn liền với các hiệp định vay và tiến độ thực hiện các chương trình/dự án; chi tiết từng năm trong giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch giải ngân phải làm rõ danh mục các chương trình, dự án được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước để sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi sự nghiệp, chương trình, dự án phải vay lại từ nguồn vốn vay của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành trung ương và các địa phương có nhiệm vụ chỉ đạo các chủ chương trình, dự án khẩn trương rà soát, đánh giá và lập kế hoạch giải ngân sát với tình hình thực tế, gắn với các hiệp định vay theo từng nhà tài trợ và tổng hợp chung theo từng bộ ngành/địa phương.
Bộ Tài chính lưu ý các Bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời và đầy đủ tình hình thông tin, số liệu báo cáo để làm căn cứ xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, không ảnh hưởng đến trần nợ công để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
"Chú ý: Thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Hy vọng rằng bạn sẽ thu thập được nhiều kiến thức hữu ích qua chuyên mục này nhé."