Cần có lộ trình phù hợp khi siết tín dụng bất động sản
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM, việc sửa đổi Thông tư 36 theo hướng thắt chặt tín dụng bất động sản là phù hợp, tuy nhiên cần phải có lộ trình thực hiện (từ 1-2 năm), nhằm tránh rủi ro chính sách và ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
NHNN chi nhánh Tp.HCM vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) về việc sửa đổi Thông tư 36. Cụ thể, theo NHNN chi nhánh Tp.HCM, việc Ngân hàng trung ương đưa ra dự thảo theo hướng siết chặt cho vay bất động sản là nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng ngân hàng cũng như hạn chế rủi ro tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản. Ngoài ra, Thông tư cũng tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.
Đồng thời, các bài học về tăng trưởng tín dụng nóng, tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản trong những năm vừa qua vẫn còn nguyên giá trị. Đến nay, vấn đề nợ xấu vẫn đã và đang là vấn đề mà hệ thống ngân hàng, Chính phủ cần quan tâm, giải quyết.
NHNN chi nhánh Tp.HCM cho rằng, các chỉ số điều chỉnh (nâng hệ số rủi ro của các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, và giảm trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, trung hạn từ 60% xuống còn 40%) là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các chỉ số hiện nay, gồm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 60% và tỷ lệ trích lập dự phòng là 150%, là các tỷ lệ cho giai đoạn khó khăn vừa qua, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi thị trường bất động sản phục hồi, ổn định, cần phải có sự điều chỉnh nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, gián tiếp tạo sự ổn định bền vững cho nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam những năm tiếp theo.
Do đó, sự điều chỉnh của NHNN được cho là phù hợp, tuy nhiên cần phải có lộ trình thực hiện (khoảng từ 1-2 năm) để tránh xảy ra các rủi ro chính sách cũng như ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Trước đó, HoREA từng có văn bản gửi đến NHNN về việc kiến nghị sửa đổi Thông tư 36 theo hướng điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 50%, đồng thời giữ nguyên hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản là 150%. Hiệp hội cũng kiến nghị quy định thời điểm thông tư này có hiệu lực bắt đầu từ năm 2017 để các bên có liên quan có thể chủ động điều chỉnh hoạt động của mình thì sẽ hợp lý hơn và không gây sốc cho thị trường.