Vàng trang sức lại xin miễn thuế xuất khẩu
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa đề xuất với Bộ Tài chính việc giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ về 0% với lý do khó khăn.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết vừa có công văn số 27/2016/CV-HHV ngày 24/6/2016 gửi Bộ Tài chính về việc xem xét giảm thuế xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và giảm thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Vàng trang sức không thể xuất ngoại nếu chịu thuế 2%
Theo VGTA, nếu Chính phủ quy định thuế suất xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ có hàm lượng từ 95% trở lên thuộc các nhóm 7113.19.10.10; 7114.19.00; 7115.90.10.10 là 2% theo Dự thảo Nghị định quy định biểu thuế xuất khẩu, thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được các mặt hàng này.
Nguyên nhân được VGTA đưa ra là do chênh lệch giá mua, bán vàng không đáng kể, chỉ khoảng 1/1.000. Hơn nữa, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam trên thị trường quốc tế hiện nay đang rất yếu, do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, không được vay vốn để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Vàng trang sức, mỹ nghệ lại xin miễn thuế xuất khẩu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng bạc đá quý Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ… đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh, như thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng 0, thuế xuất khẩu vàng bằng 0, được vay vốn để sản xuất kinh te, được nhập khẩu nguồn nguyên liệu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn…, đồng thời chính sách vĩ mô của các quốc gia này cũng rất ổn định và rất khuyến khích phát triển thị trường vàng bạc đá quý.
Do đó, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ hàng năm của các quốc gia này lên tới hàng tỷ USD, và ngành chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của các quốc gia này.
“Trên thực tế, việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ là xuất khẩu giá trị lao động sống và tái tạo ngoại tệ từ nguồn vàng nguyên liệu, máy móc, công nghệ nhập khẩu nên cần được khuyến khích phát triển”, văn bản của VGTA nhấn mạnh và cho biết thêm, theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do, đến tháng 9/2016, Việt Nam phải cắt giảm các mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi xuống 0%.
Khi đó, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ ngoại nhập có nhiều lợi thế hơn sẽ tràn vào thị trường vàng Việt Nam, khiến các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam không những không cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, mà còn bị “lép vế” ngay tại thị trường trong nước.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển thị trường xuất khẩu, góp phần tái tạo ngoại tệ cho đất nước và tạo việc làm cho hàng vạn người lao động, VGTA đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế suất xuất khẩu đối với các mặt hàng thuộc các nhóm nói trên xuống 0% như trước đây.
Nhập lậu vàng sẽ tăng nếu thuế nhập khẩu lên 5%
Cũng tại văn bản gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng có đề xuất xin giảm thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu.
VGTA cho biết, theo Dự thảo Quyết định quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu quy định, vàng chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm, hoặc ở dạng bột thuộc nhóm 71.08 sẽ chịu thuế suất nhập khẩu là 5%.
Theo VGTA, với mức thuế suất quá cao này, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể nhập khẩu vàng nguyên liệu qua đường chính ngạch.
Bởi vì, vàng có giá trị rất lớn, với 5% thuế suất sẽ đội giá bán lên rất cao, không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, như vậy sẽ vô tình tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vơ vét ngoại tệ để nhập lậu vàng, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Vì vậy, VGTA đã nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu vàng thuộc nhóm 71.08 xuống 1% theo Dự thảo nói trên để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, giảm thiểu tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới.
Theo nhìn nhận của VGTA, việc giảm thuế vàng trang sức, mỹ nghệ xuống 0% là phù hợp với cam kết của Việt Nam về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ trong nước, như quy định áp thuế VAT 10% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ nhập khẩu mà không được khấu trừ.