Chứng khoán mỹ lập kỷ lục sau bài phát biểu của tổng thống Trump
Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 1/3 đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 21.000 điểm, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện giọng điệu khá mềm mỏng trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước Quốc hội Mỹ. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 3 cũng giúp thị trường tăng điểm phiên này.
Hãng tin Reuters cho biết, cả ba chỉ số chính ở Phố Wall đã tăng hơn 1,3%, đồng loạt đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3 ở mức điểm kỷ lục.
Phát biểu hôm 28/2, Trump nói ông muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ thông qua một chương trình giảm thuế quy mô lớn và đầu tư 1 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng. Những tuyên bố này của Trump không mới và đã giúp Phố Wall liên tiếp lập kỷ lục từ khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, việc tân Tổng thống nhắc lại những cam kết này, dù không đưa ra được những chi tiết cụ thể, vẫn khiến giới đầu tư lạc quan.
Ngoài ra, giới phân tích đánh giá rằng, chính thái độ “dịu” hơn của Trump trong bài phát biểu này mới là nhân tố quan trọng nhất làm cho các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm. Trước đây, những phát ngôn hùng hồn của Trump đã nhiều phen khiến thị trường lo ngại rằng ông sẽ gặp khó trong việc đưa các chủ trương chính sách của mình qua cửa một Quốc hội Mỹ vốn không muốn thâm hụt ngân sách gia tăng.
“Nhiều người đã lo Trump có thể đi trệch hướng. Sau bài phát biểu vào đêm qua, mọi người đã cảm thấy yên tâm”, ông Stephen Massocca, Phó chủ tịch cấp cao công ty Wedbush Securities ở San Francisco, nhận xét. “Một vài điều mà ông ấy nói không có gì cụ thể, nhưng mọi người đã biết hướng đi”.
Nhóm cổ phiếu tài chính thuộc chỉ số S&P 500 tăng 2,84% trong phiên này, mạnh nhất trong số 10 nhóm cổ phiếu chính của S&P, sau khi một số quan chức hàng đầu của FED phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3.
Một đợt tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong tháng 3 sẽ là sớm hơn so với dự kiến trước đó của nhiều nhà đầu tư, và sẽ khiến lãi suất của các khoản vay đầu tư chứng khoán tăng lên, nhưng cũng sẽ là một tín hiệu cho thấy niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào sự tăng trưởng của nền kinh tế sau gần 1 thập kỷ kinh tế Mỹ tăng chậm.
“Tăng lãi suất không hẳn là không tốt. Điều đó cho thấy FED nhìn nhận rằng tình hình đang được cải thiện. Nếu FED cảm thấy tự tin hơn, thì các nhà đầu tư cũng vậy”, ông Warren West, Giám đốc công ty Greentree Brokerage Services ở Philadelphia, phát biểu.
Thị trường có thêm cơ sở để tin tưởng vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn khi Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết chỉ số sản xuất tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng lạm phát tháng 1 ở nước này tăng mạnh nhất trong 4 năm.
Dữ liệu của Thomson Reuters cho biết các nhà giao dịch đang đánh giá khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 14-15/3 là gần 70%.
Chỉ số Dow Jones kết thúc phiên giao dịch với mức tăng 1,46%, đạt 21.115,55 điểm. S&P tăng 1,37%, đạt 2.395,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,35%, đạt 5.904,3 điểm.
Có khoảng 8,1 tỷ cổ phiếu được sang tay trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ trong phiên này, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay và cao hơn nhiều so với khối lượng giao dịch trung bình ngày 6,9 tỷ cổ phiếu của 20 phiên giao dịch gần nhất.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sự chú ý của thị trường được dự báo sẽ dồn vào công ty ứng dụng tin nhắn Snap, bởi đây sẽ là phiên chào sàn của cổ phiếu này.
Dù chưa bao giờ có lãi, Snap đã huy động được 3,4 tỷ USD trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra ngày 1/3. Vụ phát hành này định giá Snap ở mức 24 tỷ USD. Đây cũng là vụ IPO lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ kể từ vụ phát hành của mạng xã hội Facebook vào năm 2012.